Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030, trong đó xác định một trong ba đột phá chiến lược cần tập trung giải quyết là xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Trong đó ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông.
Chưa đạt một số mục tiêu giai đoạn 2011 – 2020
Thành quả thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011 – 2020 và Nghị quyết 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng là đến nay, về cơ bản đã hoàn thành được những mục tiêu lớn về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.
Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể, thời gian qua, việc đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nhiều công trình giao thông lớn, hiện đại đã và đang góp phần tạo nên diện mạo mới cho đất nước, kết nối giữa các vùng, miền trong và ngoài nước.
Về đường bộ, đã đưa vào khai thác hơn 1.000 km đường cao tốc, đang đầu tư xây dựng thêm 654 km đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông; 40 km đường cao tốc đoạn TP. Lạng Sơn – cửa khẩu Hữu Nghị; 92 km đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái.
Về hàng không, Việt Nam đã có những bước phát triển đột phá về cả quy mô và chất lượng dịch vụ, đáp ứng kịp thời sự bùng nổ nhu cầu vận tải hàng không trong giai đoạn vừa qua với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 16% – 18%/năm. Với việc nâng cấp các cảng hàng không Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng và xây dựng mới các cảng hàng không Phú Quốc, Vân Đồn, tổng công suất mạng cảng hàng không đạt khoảng 90 triệu lượt hành khách/năm, tăng 2,5 lần so với năm 2011.
Việt Nam cũng đã hoàn thành đầu tư cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép – Thị Vải, Lạch Huyện để tăng khả năng tiếp nhận tàu quốc tế có tải trọng lớn từ 130.000 tấn đến 200.000 tấn; các cảng hành khách tại Phú Quốc, Hạ Long có khả năng tiếp nhận tàu chở khách lớn nhất thế giới; thực hiện nâng cấp, cải tạo các cảng đầu mối khu vực Nghi Sơn, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Khánh Hòa, Cần Thơ, đưa tổng công suất các cảng từ 420 triệu tấn (năm 2011) lên khoảng 580 triệu tấn mỗi năm. Các tuyến đường thủy chính đã được đầu tư nâng cấp, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 1.082 km đường thủy, Đồng bằng Bắc Bộ có 462 km đường thủy được đầu tư cải tạo, nâng cao năng lực vận tải.
Hiện nay, Bộ GTVT đang phối hợp với UBND TP. Hà Nội, UBND TP.HCM triển khai 5 dự án đường sắt đô thị; tập trung triển khai các dự án đường sắt quan trọng, cấp bách nhằm nâng cao khả năng khai thác, an toàn chạy tàu trên tuyến đường sắt Bắc – Nam…
Tuy nhiên, theo Bộ GTVT, do nhiều nguyên nhân, một số mục tiêu về giao thông đặt ra trong giai đoạn 2011 – 2020 vẫn chưa đạt được, đặc biệt là việc đầu tư xây dựng và khai thác đồng bộ hệ thống đường bộ cao tốc, các tuyến cửa ngõ các đầu mối giao thông quan trọng. Hiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vẫn còn là điểm nghẽn đối với nhu cầu phát triển kinh tế. Hệ thống đường bộ cao tốc mới bước đầu hình thành, chưa đạt mục tiêu đến năm 2020 đưa vào sử dụng khoảng 2.000 km. Hệ thống đường sắt đã lạc hậu, hệ thống cảng biển chưa khai thác hết công suất thiết kế. Một số cảng hàng không quá tải… Nếu đánh giá toàn diện thì Việt Nam vẫn chưa hình thành được hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, nhất là so sánh với các tiêu chí của quốc tế (mạng đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao, cảng hàng không, cảng biển đầu mối).
Xem thêm: 13 dự án hạ tầng góp phần thay đổi diện mạo Đồng Nai trong hai năm qua
Cân đối nguồn lực, vận dụng chính sách linh hoạt
Một chuyên gia về giao thông cho biết, khó khăn về nguồn lực là một trong những nguyên nhân chính khiến cho công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của Việt Nam triển khai chậm so với yêu cầu, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện hữu cũng chưa có điều kiện duy tu, bảo dưỡng đầy đủ, kịp thời, làm hạn chế năng lực khai thác. Số vốn ngân sách nhà nước được phân bổ trong giai đoạn 2016 – 2020 cho ngành giao thông vận tải mới chỉ đáp ứng trên 30% nhu cầu đầu tư phát triển cũng như bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông hiện có, trong khi việc kêu gọi đầu tư tư nhân còn khó khăn. Đây là trở ngại rất lớn trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, “đi trước một bước”, tạo tiền đề phát triển đất nước tới năm 2030.
Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030 với mục tiêu: “Đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”. Để đạt được các mục tiêu nêu trên, Đại hội xác định một trong 3 đột phá chiến lược cần tập trung thực hiện trong 5 năm tới là “xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội; ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số”.
Một số chỉ tiêu cụ thể về hạ tầng giao thông đến năm 2025 là hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, giai đoạn 1 của Cảng hàng không quốc tế Long Thành; hoàn thành trên 1.700 km đường ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau; đầu tư các công trình giao thông trọng yếu theo quy hoạch, nhất là tuyến vành đai đô thị lớn, các tuyến đường bộ cao tốc, quốc lộ quan trọng; đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống cảng biển; chuẩn bị triển khai một số đoạn đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, đường sắt vùng; kết nối đồng bộ hệ thống giao thông với các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng hàng không, cảng biển. Đại hội Đảng lần thứ XIII cũng đặt ra mục tiêu về hạ tầng giao thông đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc, xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành và mở rộng Cảng hàng không quốc tế Nội Bài…
Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, vấn đề phát triển hạ tầng giao thông thời gian tới chính là cách thức triển khai quy hoạch và thực hiện đầu tư như thế nào, cái gì nên làm trước, cái gì làm sau và làm như thế nào để đồng bộ, hợp lý và bảo đảm hiệu quả đầu tư.
- Thống nhất chủ trương xây dựng sân bay Đất Đỏ thị trường bất động sản bước vào chu kỳ tăng giá 2024
- Tổng hợp thông tin về khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn
- Bản đồ quy hoạch thị xã Sơn Tây, Hà Nội đến năm 2030
- Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong trường hợp nào?
- Bản đồ quy hoạch thị xã SaPa, tỉnh Lào Cai đến năm 2030