Hiện nay, những hành vi, lừa đảo người mua bất động sản đang diễn ra khắp nơi nhưng vẫn có rất nhiều người sập bẫy, mất tiền kéo theo nhiều vụ kiện tụng về đất đai. Vì thế, trong bài viết này, Tân Đại Thành Group chia sẻ đến bạn các chiêu trò của cò đất khi mua bán nhà đất nhằm tránh rơi vào tình cảnh “mất trắng” trước những chiêu thức lừa đảo này.
1. “Treo đầu dê bán thịt chó”
Chiêu trò của cò đất thường có nhiều hình thức:
– Các môi giới thường chào bán sản phẩm tốt nhưng khi đến mua sử dụng lại là sản phẩm khác kém chất lượng.
Ví dụ nhiều môi giới chào bán một lô đất trong khu tái định cư, lô đất đẹp nhưng khi đến xem thì lô đất đó bị lỗi, có phong thủy không tốt, cột điện đường đâm. Hoặc có trường hợp chào bán 1 lô đất đẹp, vị trí tốt nhưng đặt cọc công chứng lại là một lô khác xấu hơn (dù chỉ khác nhau về con số 40, 41).
– Hình ảnh, ảnh chụp khi chào bán sản phẩm rất đẹp, sang trọng nhưng khi rao người môi giới lại không nói đến đây là ảnh minh họa. Dẫn đến tình trạng người mua đến xem vừa thất vọng lại vừa mất thời gian.
Do đó, trước khi đi xem người mua nên hỏi và tham khảo đó có phải là ảnh thật của sản phẩm hay không hay chỉ là ảnh minh họa, nếu có thể thì nên yêu cầu xem video trước khi đi xem.
– Không những thế, môi giới còn rao bán với giá bán đã được ngân hàng hỗ trợ. Ví dụ căn nhà có giá là 4 tỷ nhưng chỉ rao có 1,2 tỷ là có thể mua (1,2 tỷ là mức giá đã được ngân hàng hỗ trợ cho vay).
Vì thế đối với chiêu trò này, nên dò hỏi kỹ càng trước khi ra quyết định nhằm tránh những rủi ro không xứng đáng. Nếu ảnh hưởng nhẹ có thể là mất thời gian, công sức, nặng thì không đúng như những gì chúng ta đã tưởng tượng trong đầu.
2. Sử dụng hiệu ứng chim mồi
Chiêu thức này dùng để đánh vào tâm lý, nỗi sợ bỏ lỡ cơ hội kiếm lời của người mua. Có hai trường hợp:
– “Chim mồi” sẽ giả làm người mua sẵn sàng chốt cọc, tạo ra tâm lý đám đông tác động đến việc ra quyết định sớm của bạn.
Cò đất sẽ dàn dựng cảnh, trong khi người mua đang xem sản phẩm này lại có 1 khách khác vào xem và đòi đặt cọc liền ngay sau khi xem. Điều này sẽ tạo cho người mua cảm giác sắp bị mất cơ hội mua sản phẩm nếu họ đã thích sản phẩm, nên cũng muốn đặt cọc. Trường hợp này, người đến sau đã tạo hiệu ứng chim mồi thúc đẩy người mua phải đưa ra quyết định ngay lúc đó, tạo ra cảm giác nếu không mua thì sẽ mất đi cơ hội.
– Hoặc với 1 số dự án, khi người mua đến xem dự án và cũng có rất nhiều người tới xem, trong số đó cũng có người là khách, có người là môi giới hoặc chim mồi, điều này tạo ra tính khan hiếm cho các dự án.
Trong trường hợp nào thì người mua cũng sẽ bị mất “tiền oan”. Đây là một chiêu trò của cò đất, người mua nên cẩn thận, cân nhắc để không phải rơi vào những trường hợp như vậy, đây có thể không phải là lừa đảo, nhưng là điều liệt kê cho mọi người cân nhắc.
3. Sử dụng kênh giá
Trong trường hợp này, môi giới thực hiện đàm phán với người bán mức giá bán cực thấp và chào bán với mức giá cực cao cho người mua.
Ví dụ: Lô đất có giá 2 tỷ, người môi giới làm việc với chủ nhà về việc sẽ thu lại đúng 2 tỷ cho chủ nhà nhưng họ rao bán 2,2 tỷ/ 2,3 tỷ cho khách. Lúc này, môi giới sẽ ăn phần chênh lệch 200 – 300 triệu, tuy nhiên, khi ra làm thủ tục môi giới vẫn sẽ bị phát hiện. Đây gọi là kênh giá, là thủ thuật không phải là lừa đảo nhưng nếu thực hiện nhiều lần sẽ tạo ra cho người mua và người bán tâm lý khó chịu, không đánh giá cao môi giới. Từ đó, tạo ra tâm lý không dám làm việc với môi giới.
Vì thế, khi đã tìm hiểu 1 sản phẩm bất động sản, người mua nên yêu cầu môi giới được đàm phán trực tiếp với chủ nhà. Hoặc nếu thực sự tin tưởng người môi giới thì ủy thác cho môi giới tìm kiếm cho để tránh gặp phải kênh giá từ các chiêu trò của cò đất.
4. Thả săn sắt, bắt cá rô
Thủ thuật này, không chỉ là môi giới mà người bán cũng có thể sử dụng.
Ví dụ, khi được môi giới chào bán lô đất có vị trí A và người mua thấy đẹp nên đặt cọc. Trong thời gian ngắn khoảng 1 ngày/ tuần, thì được môi giới gọi lại hỏi có muốn bán lại do có khách muốn mua và cọc liền. Điều này, tạo cho bạn cảm giác lô đất này đầy tiềm năng, dễ bán. Đồng thời, môi giới này vẫn tiếp tục chào bán thêm những lô khác nữa, với tâm lý “thừa thắng xông lên” người mua sẽ mắc bẫy mua một lúc mấy lô, người cuối cùng được lợi sẽ là môi giới. Chiêu trò này tuy ít được áp dụng nhưng nếu biết sẽ có thể tránh được những rủi ro này.
5. Làm giả quy hoạch
Chiêu trò của cò đất này là hình thức lừa đảo tinh vi. Thường xảy ra tại khu vực ít sốt, ít thông tin hoặc ở những vùng nông thôn nơi chính quyền không để ý nhiều đến thông tin quy hoạch, tại những nơi này thường môi giới là từ nơi khác đến địa phương.
Cũng đã từng có trường hợp tại Phú Quốc, các báo đã đề cập có nhiều môi giới từ nơi khác đến làm giả quy hoạch sau đó họ tạo nên làn sóng thu hút, lôi kéo các nhà đầu tư từ nơi khác về mua đất, dự án với mức giá cao. Họ có thể vẽ ra một quy hoạch nào đó gọi là bánh vẽ, với những tiện ích nội, ngoại khu hấp dẫn. Vì thấy quy hoạch này tiềm năng, đầu tư có lời nên người mua sẽ dễ dàng bị hấp dẫn đặt cọc mà không kiểm tra quy hoạch lại lần nào nữa.
Nếu muốn tránh trường hợp này, trước khi mua người mua nên tới cơ quan thẩm quyền kiểm tra quy hoạch. Có thể đến phòng địa chính phường xã, phòng đăng ký đất đai quận, huyện hoặc với những địa phương hay thành phố lớn, chúng ta cũng có thể kiểm tra ngay trên những trang web, internet tránh lừa đảo.
6. Mạo danh chủ đầu tư để bán các dự án
Trường hợp này đã từng xảy ra ở một số nơi. Trong trường hợp, môi giới tự nhận là CĐT và tự đứng ra nhận cọc trong khi dự án chưa hoàn thiện cũng chưa mở bán. Do đó, người mua nên yêu cầu gặp CĐT trước khi ra quyết định, vì hầu hết những CĐT đều có đội ngũ của phòng kinh doanh, phòng bán hàng trực tiếp.
Hiện nay, còn có các sàn phân phối chính thức F1 cho chủ đầu tư. Người mua nên yêu cầu đưa đến sàn đó để xem giấy chứng nhận là F1 của CĐT trước khi ra quyết định đặt cọc tránh trường hợp mạo danh.
Ngoài ra, cũng có trường môi giới tự xưng là nhân viên thuộc CĐT dự án hoặc khẳng định là người nhà nên chào bán những suất bán với mức giá rẻ hơn thị trường đến những người mua thiếu kinh nghiệm, hiểu biết. Tạo cho người mua cảm thấy gặp được món hời nên đã đặt cọc ký và xuống tiền. Chiêu trò này đã lừa đảo đến hàng chục cọc, do họ chỉ là môi giới bình thường không có quan hệ hay là điểm phân phối nào dẫn đến người mua sẽ mất trắng số tiền đã cọc.
Đây là 6 chiêu trò của cò đất không có tâm sử dụng, đưa các bạn, anh, chị, vào bẫy nhằm mang về lợi ích riêng cho họ. Tân Đại Thành Group hy vọng khi xem đến đây, bạn đã nắm được các thông tin để tránh nhiều rủi ro có thể xảy ra cũng như cung cấp thêm nhiều thông tin bổ ích vào thương vụ mua bán bất động sản của bạn.