Sớm xây dựng tuyến đường giao thông thứ 2 kết nối sân bay Long Thành với TP.HCM
Cùng với đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, đường tỉnh 25C được xác định là trục giao thông đường bộ thứ 2 kết nối cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành với TP.HCM.
“Chia lửa” với đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây
Trong quy hoạch hệ thống giao thông kết nối của sân bay Long Thành, đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây được xác định là trục kết nối chính giữa sân bay này với TP.HCM, đô thị lớn nhất cả nước.
Theo dự kiến, sân bay Long Thành giai đoạn 1 sẽ hoàn thành xây dựng vào năm 2025 với công suất 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.
Để đáp ứng tiến độ hoàn thành và khai thác sân bay Long Thành giai đoạn 1, hiện nay, đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây cũng đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục đầu tư thực hiện mở rộng.
Theo Bộ trưởng GT-VT Nguyễn Văn Thể, Bộ GT-VT sẵn sàng làm “trọng tài” để Đồng Nai và TP.HCM có được sự thống nhất khi thực hiện xây dựng cầu Cát Lái.
Mục tiêu là sớm xây dựng cầu Cát Lái để có được thêm trục giao thông kết nối sân bay Long Thành với TP.HCM, thúc đẩy sự phát triển của vùng Đông Nam bộ.
Cụ thể, mới đây, Bộ GT-VT đã giao Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận là đơn vị thực hiện nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư mở rộng đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây. Kinh phí nghiên cứu tiền khả thi dự án sẽ được thanh toán theo kế hoạch vốn hằng năm, thời gian thực hiện từ năm 2021-2022.
Về cơ chế đầu tư dự án, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận sẽ phối hợp với Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), đơn vị đang quản lý đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây đề xuất cơ chế đầu tư phù hợp quy định.
Trước đó, vào tháng 10-2020, Tổng công ty Cửu Long (tiền thân của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận) đã trình Bộ GT-VT phương án đầu tư mở rộng tuyến đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây để giải quyết ùn tắc và đáp ứng nhu cầu phương tiện tăng trên tuyến này, đặc biệt là khi sân bay Long Thành giai đoạn 1 đi vào khai thác.
Đoạn mở rộng được đề xuất dài 24km trong tổng 55km toàn tuyến. Điểm đầu từ cầu Bà Dạt (Q.2, TP.HCM) đến nút giao đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (H.Long Thành) sẽ thực hiện mở rộng mặt đường từ 4 lên 8 làn xe.
Phần còn lại từ Long Thành đến Dầu Giây, dài 31km giữ nguyên quy mô như hiện tại. Ngoài ra, các nút giao trên tuyến như An Phú, vành đai 3, quốc lộ 51 cũng sẽ được nghiên cứu kết nối đồng bộ với mở rộng đường cao tốc.
Trên thực tế, quy hoạch đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây có thể thực hiện mở rộng với quy mô 10 làn xe.
Tuy nhiên, với quy mô khai thác của sân bay Long Thành, quy hoạch của đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây nếu được mở rộng lên 10 làn xe vẫn khó có thể đáp ứng đủ nhu cầu giao thông giữa sân bay Long Thành và TP.HCM.
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến kết nối giao thông vùng Đông Nam bộ, sân bay Long Thành, Bà Rịa – Vũng Tàu vào cuối tháng 2 vừa qua, Bộ trưởng GT-VT Nguyễn Văn Thể cho rằng, quy hoạch đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây hiện được đánh giá đã “lạc hậu” và chắc chắn không đáp ứng được yêu cầu phát triển lâu dài của sân bay Long Thành.
“Chính vì vậy, cần thiết phải có thêm một trục kết nối giao thông nữa giữa sân bay Long Thành và TP.HCM là đường tỉnh 25C thông qua cầu Cát Lái với quy mô từ 7-10 làn xe”- Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết.
Xem thêm: Sân bay Long Thành là dấu ấn của kỳ họp Quốc hội khóa XIV
Đặc biệt quan tâm đầu tư hoàn thiện tỉnh lộ 25C
Với việc xác định tỉnh lộ 25C là trục giao thông đường bộ kết nối thứ 2 giữa sân bay Long Thành với TP.HCM, Bộ trưởng GT-VT Nguyễn Văn Thể cũng đề nghị tỉnh Đồng Nai đặc biệt quan tâm đầu tư xây dựng hoàn thiện tuyến đường này.
Về nguồn vốn đầu tư, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, do là đường tỉnh nên nguồn vốn do địa phương tự thu xếp.
Chính vậy vậy, với đoạn tuyến thuộc địa bàn Đồng Nai thì địa phương cân đối nguồn vốn đầu tư, với đoạn tuyến thuộc địa bàn TP.HCM thì TP.HCM cũng cân đối nguồn vốn đầu tư.
Tuy nhiên, trong trường hợp khó khăn về nguồn vốn, các địa phương có thể kiến nghị trung ương hỗ trợ.
“Nếu gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư từ ngân sách địa phương thì có thể kiến nghị Bộ GT-VT để bộ kiến nghị Chính phủ hỗ trợ” – Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết.
Theo quy hoạch, đường 25C có chiều dài 14,5km. Hiện nay, hơn 11km cuối tuyến đã và đang được thi công, trong đó đoạn giữa tuyến nằm trong các KCN trên địa bàn H.Nhơn Trạch đã hoàn thành thi công.
Đối với hơn 3km đầu tuyến nối với quốc lộ 51 hiện cũng đang được tỉnh Đồng Nai chuẩn bị các công tác đầu tư.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cho biết, để đảm bảo kết nối giữa sân bay Long Thành và TP.HCM, Đồng Nai cũng đang triển khai đầu tư xây dựng hoàn thiện đường 25C từ quốc lộ 51 đến điểm kết nối với cầu Cát Lái.
Chính vì vậy, tổng chiều dài tuyến đường 25C cần đầu tư tăng lên khoảng 22km.
Cùng với đó, Đồng Nai cũng đang phối hợp với TP.HCM để thống nhất phương án xây dựng cầu Cát Lái. Khi hoàn thiện các hạng mục trên, đây sẽ là tuyến đường kết nối hoàn chỉnh từ điểm giao với tuyến đường số 1 (đường kết nối sân bay Long Thành theo quy hoạch sẽ được xây dựng mới) qua cầu Cát Lái đến TP.HCM.