Đăng vào ngày: 01/12/2022
5/5 - (2 bình chọn)

Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị thông qua nghị quyết về việc giao VEC tự cân đối, bố trí số vốn đối ứng để tiếp tục triển khai Cao tốc Bến Lức – Long Thành. Việc VEC tự cân đối, bố trí vốn đối ứng là phù hợp với quy định của pháp luật và không phải qua đầu mối Bộ Giao thông Vận tải nhận kế hoạch.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị giao VEC tự bố trí vốn đối ứng cho cao tốc Bến Lức - Long Thành
Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị giao VEC tự bố trí vốn đối ứng cho cao tốc Bến Lức – Long Thành

1. Bố trí vốn đối ứng cho Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành giai đoạn 1

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có Tờ trình số 8536/TTr – BKHĐT gửi Thủ tướng Chính phủ về việc bố trí vốn đối ứng cho Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành giai đoạn 1 do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư.

Theo tờ trình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị thông qua nghị quyết về việc giao VEC có trách nhiệm tự cân đối, bố trí số vốn đối ứng để tiếp tục triển khai dự án. Bộ Giao thông Vận tải, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và VEC chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tính chính xác của thông tin, số liệu báo cáo.

Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành GĐ1 được Thủ tướng phê duyệt danh mục vào 5/10/2010. Bộ GTVT đã ban hành Quyết định số 2925/QĐ – BGTVT vào ngày 8/10/2021 phê duyệt Dự án và Quyết định số 5096/QĐ – BGTVT ngày 31/12/2014 phê duyệt điều chỉnh dự án.

Theo đó, dự án có chiều dài 57,8 km, tổng mức đầu tư là 31.320 tỷ đồng, gồm vốn vay Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) là 13.654,6 tỷ đồng, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) (11.975,7 tỷ đồng) và vốn đối ứng 5.689,7 tỷ đồng. Công trình được khởi công từ 2014, dừng thi công từ giữa 2019 do vướng mắc về cơ sở pháp lý, trong đó có bố trí vốn (ODA, vốn đối ứng).

Đến thời điểm dừng thi công, tổng vốn đối ứng từ ngân sách Nhà nước bố trí cho Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành giai đoạn 1 là 3.882 tỷ đồng.

Xem thêm: Cập nhật thông tin dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành mới nhất

Các đơn vị đang triển khai thi công Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành
Các đơn vị đang triển khai thi công Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành

Việc VEC không được tiếp tục bố trí vốn đối ứng là theo Nghị định số 79/2010/NĐ-CP ngày 14/7/2010; Nghị định số 94/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 của Chính phủ về nghiệp vụ quản lý nợ công, người vay lại (VEC – chủ đầu tư dự án) tự thu xếp nguồn vốn đối ứng.

Việc bộ GTVT tiếp tục giao vốn đối ứng cho dự án qua đầu mối nhận kế hoạch là chưa phù hợp với quy định của Luật Ngân sách NN về phân bổ và giao dự toán ngân sách. Để giải quyết vướng mắc này, theo Thông báo số 177/TB-VPCP ngày 17/6/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã giao Bộ KH và ĐT khẩn trương báo cáo đề xuất Chính phủ phương án VEC tự cân đối, bố trí số vốn đối ứng còn lại từ năm 2019 để sớm tiếp tục triển khai Dự án.

Qua qua rà soát, cập nhật toàn bộ các chi phí thực hiện dự án đến thời điểm hiện nay, VEC cho biết nhu cầu vốn 4 đối ứng còn lại của dự án là khoảng 758 tỷ đồng trong tổng 1.807 tỷ đồng theo tổng mức đầu tư được duyệt. Đơn vị này cũng khẳng định đảm bảo đầy đủ nghĩa vụ trả nợ đã cam kết cũng như đủ nguồn lực để cân đối số vốn đối ứng còn lại từ 2019 đến khi kết thúc dự án.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc VEC tự cân đối, bố trí vốn đối ứng là phù hợp với quy định tại Nghị định số 94/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 của Chính phủ về nghiệp vụ quản lý nợ công và Thông báo số 177/TB-VPCP ngày 17/6/2022 của Văn phòng Chính phủ; không phải qua đầu mối Bộ Giao thông Vận tải nhận kế hoạch.

Xem thêm: Cảng hàng không quốc tế Long Thành yêu cầu đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ

2. Điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến ngày 30/9/2025

Trong một diễn biến liên quan, Bộ GTVT cũng vừa có tờ trình số 12266/BGTVT – KHĐT gửi Thủ tướng Chính phủ xin phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành.

Có 2 nội dung tại Dự án xây dựng dự án mà Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh.

  • Thứ nhất là điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến ngày 30/9/2025.
  • Thứ hai là điều chỉnh tổng mức đầu tư, cơ cấu nguồn vốn và cơ chế tài chính của dự án.

Tiến độ thi công đoạn phía Tây dự kiến như sau:

  • Gói thầu A1 hoàn thành 31/12/2023
  • Gói thầu A2-1 hoàn thành 30/12/2022
  • Gói thầu A2-2 hoàn thành 21/9/2023
  • Gói thầu A3 hoàn thành 12/12/2022
  • Gói thầu A4 hoàn thành 30/6/2023. Như vậy, đoạn tuyến phía Tây sẽ hoàn thành toàn bộ vào 31/12/2023.

Đối với các gói thầu đoạn giữa, sử dụng vốn vay của JICA, có 22 tháng thi công Gói thầu J1 và 21 tháng cho gói thầu J3 (chưa gồm thời gian nhà thầu thực hiện công tác huy động lại công trường từ 3 – 6 tháng).

Hiện nay, hợp đồng với nhà thầu J3 đã chấm dứt và VEC đang tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công mới. Dự kiến, các Gói thầu J1 và J3 sẽ hoàn thành vào Quý II/2025.

Với các gói thầu đoạn phía Đông, sử dụng vốn vay ADB, hiện Gói thầu A5 đã cơ bản hoàn thành. Gói thầu A7 sẽ hoàn thành ngày 30/9/2023. Nhà thầu A6 đang được VEC tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công mới nên Gói thầu dự kiến sẽ hoàn thành Quý I /2024.

Ngoài ra, VEC đang nghiên cứu bổ sung nút giao QL51 theo quy mô hoàn chỉnh đảm bảo kết nối liên thông với QL51 và cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu phục vụ Cảng hàng không quốc tế Long Thành đi vào khai thác. Dự kiến, hạng mục công trình này hoàn thành vào Quý III/2025.

 

Với các lý do trên, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến ngày 30/9/2025.

Xem thêm: Dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu hiện nay như thế nào?

5/5 - (2 bình chọn)
058.34.88888
Đăng ký tư vấn