Sở GTVT TP. HCM đề nghị các Sở GTVT các tỉnh có tuyến vành đai 4 TP. HCM đi qua, cùng thống nhất triển khai đầu tư và dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 năm 2028.
Vành đai 4 dài gần 200km, có vốn đầu tư 100.000 tỷ đồng dự kiến khởi công năm 2024, khai thác sau bốn năm tạo trục liên kết Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Dự án này đã được Thủ tướng Chính phủ giao UBND các tỉnh thành TP.HCM, Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu làm cơ quan thẩm quyền triển khai các đoạn tuyến trên địa bàn của mỗi địa phương.
Tiến độ triển khai vành đai 4 TP. HCM
Chiều 23/5, sau khi được các bên thông nhất, tiến độ dự kiến triển khai tuyến Vành đai 4 TP. HCM vừa được Sở Giao thông Vận tải TP HCM gửi đi 4 tỉnh có tuyến đường đi qua gồm: Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu.
Vành đai 4 được thiết kế với 6-8 làn xe, điểm đầu giao tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, điểm cuối tại cảng Hiệp Phước (TP. HCM). Giai đoạn 1, dự án giải phóng toàn bộ mặt bằng theo thiết kế nhưng làm trước 4 làn xe đáp ứng nhu cầu vận tải cho khu vực.
UBND tại các tỉnh, TP chỉ đạo các sở, ban, ngành triển khai thực hiện các dự án trên vành đai 4 do địa phương thực hiện theo các mốc tiến độ chính:
- Tổ chức lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, hoàn thành vào 12/2022. Thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư hoàn thành tháng 3/2023 và lập báo cáo nghiên cứu khả thi hoàn thành 9/2023.
- Thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và công bố thông tin dự án vào 12/2023, lựa chọn nhà đầu tư, hoàn thành tháng 6/2024.
- Bàn giao mặt bằng, hoàn thành 1/2026. Khởi công công trình vào 9/2024. Cuối cùng là thi công hoàn thành, thông xe kỹ thuật toàn tuyến vào 12/2027.
Rà soát quy hoạch, lập kế hoạch thực hiện chi tiết
Các tỉnh, thành cần nghiên cứu và đề xuất cơ chế để đẩy nhanh dự án như: XD hình thức lựa chọn các gói thầu, thẩm quyền quyết định; duyệt trước về giải phóng mặt bằng phục vụ công tác thu hồi đất. Để có đủ nguồn vốn đầu tư, các địa phương nên nghiên cứu phát hành trái phiếu, khai thác quỹ đất dọc tuyến…
Trước đó tháng 9/2021, Thủ tướng đã đồng ý giao cho 5 tỉnh thành là cơ quan có thẩm quyền đầu tư các đoạn thuộc Vành đai 4 qua địa bàn. Trong đó:
- Bà Rịa – Vũng Tàu thực hiện đoạn Phú Mỹ – Bàu Cạn, dài khoảng 18km;
- Đồng Nai làm đoạn Bàu Cạn – cầu Thủ Biên (không tính cầu Thủ Biên), dài 45km.
- Bình Dương xây dựng đoạn cầu Thủ Biên – sông Sài Gòn (gồm cầu Thủ Biên), dài khoảng 49 km;
- Long An thực hiện đoạn kênh Thầy Cai – Hiệp Phước (gồm cả đoạn qua kv Hiệp Phước thuộc địa phận TP. HCM) dài khoảng 71 km;
- TP HCM làm đoạn cầu qua sông Sài Gòn – kênh Thầy Cai (gồm cầu vượt sông Sài Gòn), dài 17 km.
Vành đai 4 TP. HCM có vai trò liên kết vùng, đặc biệt là kết nối KĐT cảng Hiệp Phước ở phía Nam Sài Gòn với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đồng bằng sông Cửu Long. Tuyến đường khi khép kín tạo mạng lưới giao thông liền mạch nối qua các cao tốc, QL, sân bay… góp phần phát triển KT – XH vùng.
Xem thêm: Vành đai 3 và 4 khởi động ‘hâm nóng’ thị trường BĐS phía Nam
Ngoài ra, 1 dự án cấp bách khác với TP. HCM và các tỉnh lân cận là Vành đai 3 có chiều dài hơn 92km được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ ba. Dự án đi qua 4 tỉnh thành gồm: Đồng Nai, TP HCM, Bình Dương, Long An, vốn đầu tư sơ bộ hơn 75.000 tỷ đồng, nếu được thông qua dự kiến được hoàn thành năm 2026.