Đăng vào ngày: 17/02/2023
5/5 - (2 bình chọn)

Các vấn đề liên quan đến việc chuyển đổi cơ cấu trên đất trồng lúa đang được rất nhiều người quan tâm, nhất là các trình tự, thủ tục để có thể chuyển đổi đất trồng lúa sang đất vườn. Nếu bạn đang quan tâm đến những vấn đề này thì hãy theo dõi bài viết dưới đây để biết thêm chi tiết.

1. Đất vườn là gì? Thời hạn sử dụng của đất vườn

Theo Luật Đất đai hiện hành không giải thích thế nào là đất vườn, thay vào đó tại Điều 10 Luật Đất đai 2013 có phân loại đất đai thành 03 nhóm chính là: Đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp và đất chưa sử dụng. Mặc dù không có giải thích cụ thể thế nào là đất vườn nhưng tại Điều 103 Luật Đất đai 2013 có quy định cách xác định phần diện tích đất vườn, ao trong cùng thửa đất ở (thửa đất có nhiều mục đích sử dụng bao gồm đất ở, đất vườn, ao)

Một số văn bản pháp luật trước đây cũng có đề cập về đất vườn, cụ thể:

Ngày 12/10/1999, Tổng cục Địa chính ra Quyết định 507/1999/QĐ-TCĐC ban hành hệ thống biểu mẫu thống kê đất đai phục vụ công tác kiểm kê đất đai năm 2000, trong đó có quy định: “ Đất vườn tạp là diện tích đất vườn gắn liền với đất ở thuộc khuôn viên của mỗi hộ gia đình trong các khu dân cư trồng xen kẽ giữa các loại cây hàng năm với cây lâu năm hoặc giữa các cây lâu năm mà không thể tách riêng để tính diện tích cho từng loại.”

Tại Phụ lục mục đích sử dụng đất và ký hiệu quy ước ban hành kèm theo Thông tư 1990/2001/TT-TCĐC ngày 30/11/2001, quy định loại đất làm vườn thuộc nhóm đất nông nghiệp, ký hiệu là “vườn”

Như vậy, có thể kết luận, đất vườn là đất trồng cây hàng năm hoặc lâu năm trong một thửa đất riêng (tạo thành một thửa riêng là đất nông nghiệp) hoặc nằm trong cùng một thửa đất với đất ở.

Vì đất vườn là đất nông nghiệp nên thời hạn sử dụng của đất vườn được xác định theo Khoản 1 và Khoản 2 Điều 126 Luật Đất đai 2013 như sau:

  • Đất vườn được Nhà nước giao hoặc công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp có thời hạn sử dụng là 50 năm. Khi hết thời hạn sử dụng nói trên, hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nếu có nhu cầu thì được tiếp tục sử dụng đất theo thời hạn 50 năm mà không cần phải làm thủ tục gia hạn.
  • Nhà nước cho hộ gia đình, cá nhân thuê đất nông nghiệp (đất vườn) có thời hạn sử dụng đất không quá 50 năm. Khi hết thời hạn thuê đất, hộ gia đình, cá nhân nếu có nhu cầu thì được Nhà nước xem xét để tiếp tục cho thuê đất.

Xem thêm: Đất trồng lúa có lên thổ cư được không?

Đất vườn là gì
Đất vườn là gì?

2. Điều kiện để chuyển đổi đất trồng lúa sang đất vườn và các loại đất nông nghiệp khác

Thứ nhất, không làm mất đi các điều kiện phù hợp để trồng lúa trở lại, không gây ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa, không làm hư hỏng công trình giao thông, công trình thủy lợi phục vụ trồng lúa.

Thứ hai, phù hợp với kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang cây trồng hàng năm, cây lâu năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa của cấp xã (sau này gọi là kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa), đảm bảo tính minh bạch, công khai.

Thứ ba, chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây lâu năm phải được phân chia theo vùng để hình thành nên các vùng sản xuất tập trung và khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng sẵn có, phù hợp với định hướng hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương.

Thứ tư, trường hợp trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản, cho phép sử dụng tối đa 20% diện tích đất trồng lúa để hạ thấp mặt bằng cho nuôi trồng thủy sản, độ sâu của mặt bằng hạ thấp không quá 120cm và khi cần thiết phải phục hồi lại được mặt bằng để trồng lúa lại.

Thứ năm, người sử dụng đất đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa với Ủy ban nhân dân cấp xã. Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét sự phù hợp với các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều này khi tiếp nhận bản đăng ký và thống kê theo dõi việc sử dụng đất trồng lúa.

Thứ sáu, đất trồng lúa được chuyển đổi cơ cấu cây trồng đáp ứng các quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này vẫn được thống kê là đất trồng lúa, trừ diện tích đất trồng lúa được chuyển đổi hoàn toàn sang trồng cây hàng năm hoặc nuôi trồng thủy sản.

Xem thêm: Đất trồng lúa có được chuyển nhượng không? Thủ tục chuyển nhượng là gì?

Điều kiện để chuyển đổi đất trồng lúa sang đất vườn
Điều kiện để chuyển đổi đất trồng lúa sang đất vườn

3. Trình tự, thủ tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa

Đối tượng có nhu cầu chuyển đổi đất trồng lúa sang đất vườn tiến hành gửi 01 bản đăng ký đến Ủy ban nhân dân cấp xã theo mẫu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị Định này bao gồm:

Các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng đất trồng lúa hợp pháp (người sử dụng đất) có nhu cầu chuyển đổi sang đất trồng cây hàng năm, trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản.

Hộ gia đình, cá nhân trong nước sử dụng đất trồng lúa hợp pháp có nhu cầu chuyển sang cây trồng lâu năm.

Với những bản đăng ký hợp lệ và phù hợp với kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa của Ủy ban nhân dân cấp xã, trong thời gian 05 ngày làm việc, Ủy ban nhân dân cấp xã có ý kiến, “Đồng ý chuyển đổi”, đóng dấu vào Bản đăng ký, vào sổ theo dõi và gửi lại cho người sử dụng đất.

Ngược lại, nếu bản đăng ký chuyển đổi không phù hợp, trong thời gian 03 ngày làm việc, Ủy ban nhân dân cấp xã phải hướng dẫn cho người sử dụng đất, chỉnh sửa, bổ sung bản đăng ký.

Xem thêm: Chuyển đổi đất trồng cây lâu năm sang đất ở và quy trình chuyển đổi mới nhất

Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất
Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất

Tân Đại Thành (Tổng hợp)

5/5 - (2 bình chọn)
058.34.88888
Đăng ký tư vấn