Do lãi suất vay bằng USD thấp nên Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) muốn cơ quan chức năng ủng hộ phương án vay trong nước bằng ngoại tệ USD và trả bằng USD, để đảm bảo tối đa hiệu quả của dự án sân bay Long Thành.
Đó là nội dung đáng chú ý trong báo cáo vừa được chủ tịch HĐQT ACV Lại Xuân Thanh gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về tình hình triển khai dự án xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1.
Theo ACV, dự án thành phần 3 là các công trình thiết yếu trong sân bay như nhà ga hành khách, đường băng, đường lăn, sân đỗ, nhà ga hàng hóa số 1, hệ thống giao thông kết nối do ACV làm chủ đầu tư đã khởi công ngày 5-1-2021.
Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề nhất đến hàng không nên tình hình sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của ACV trong năm 2020 đến nay gặp nhiều khó khăn. Toàn bộ chuyến bay thương mại quốc tế bị dừng đã ảnh hưởng đến nguồn thu ngoại tệ chính của ACV. Trong khi đó lượng khách nội địa cũng giảm do các đợt dịch bùng phát.
Việc triển khai dự án sân bay Long Thành cũng gặp khó khăn do dịch COVID-19 như việc thương thảo, ký kết hợp đồng với các đối tác có chuyên gia nước ngoài; một số cán bộ, nhân viên, người lao động phải cách ly, không tham gia làm việc trực tiếp tại các dự án…
Mặc dù gặp khó khăn nhưng ACV đã chủ động nghiên cứu các giải pháp triển khai dự án sân bay Long Thành, phương án huy động vốn tối ưu. Theo đó, kiến nghị Thủ tướng cho phép ACV tích lũy nguồn tiền tối đa từ hoạt động sản xuất kinh doanh để đầu tư trên cơ sở phương án bổ sung vốn điều lệ hằng năm từ lợi nhuận sau thuế, không sử dụng ngân sách nhà nước.
Đồng thời kiến nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận phương án cho phép ACV vay các ngân hàng quốc doanh trong nước bằng USD và trả bằng USD nhằm tiết kiệm chi phí lãi vay.
Bởi qua làm việc với các tổ chức tài chính trong và ngoài nước, nhu cầu vốn cần huy động của ACV để xây sân bay Long Thành không vượt quá 2,5 tỉ USD với nhiều hình thức.
Tuy nhiên, phương án vay trong nước bằng ngoại tệ USD trả bằng USD là phương án ưu tiên đã được ACV báo cáo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trình Thủ tướng xem xét.
Phương án này có các ưu điểm nổi bật như: lãi suất cho vay bằng USD luôn thấp hơn đáng kể so với VND; ACV có nguồn thu USD trực tiếp và gián tiếp từ hoạt động kinh doanh, khai thác các sân bay quốc tế để trả lãi vay ngoại tệ; các ngân hàng quốc doanh trong nước hiện đang dư nguồn USD cần tìm đối tác cho vay tin cậy.
Phương án này đảm bảo lợi ích cho Nhà nước, nâng cao hiệu quả của dự án và bảo toàn, phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước tại ACV.
Để đảm bảo tiến độ của dự án sân bay Long Thành trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19, ACV đề nghị Quốc hội quan tâm chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm áp dụng các biện pháp để bình ổn thị trường giá nguyên vật liệu và ủng hộ phương án vay trong nước bằng ngoại tệ USD và trả bằng USD cho dự án nhằm đảm bảo tối đa lợi ích, hiệu quả dự án.
Dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 109.111 tỉ đồng, tương đương hơn 4,66 triệu USD. Trong đó ACV được giao làm chủ đầu tư dự án thành phần 3 – các công trình thiết yếu trong sân bay như: nhà ga hành khách, đường băng, đường lăn, sân đỗ… với tổng mức đầu tư 99.019 tỉ đồng, thực hiện từ năm 2020, đến năm 2025 hoàn thiện, đưa vào khai thác.
Xem thêm: Sân bay quốc tế Long Thành đang triển khai đúng tiến độ
- Bản đồ quy hoạch Thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận đến năm 2030
- Bản đồ quy hoạch huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030
- Dự kiến bồi thường Vành đai 3 cao nhất 40 triệu
- Bản đồ quy hoạch huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030
- Sau 1 năm về quê bán cám lợn môi giới bất động sản trở lại làm nghề