Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây ra những ảnh hưởng nhất định tới việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), thì tại tỉnh Đồng Nai, một trong những địa phương phát triển công nghiệp hàng đầu cả nước, đã thu hút vốn FDI đạt gần 100% kế hoạch đề ra từ đầu năm 2021. Với nhiều DA hạ tầng giao thông quan trọng cấp quốc gia được đầu tư xây dựng nâng cấp, xây mới, Đồng Nai đang có cơ hội lớn để phát triển và thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao.
Nhiều doanh nghiệp tăng vốn
Cuối tháng 4 vừa qua, dự án (DA) sản xuất cà-phê của Công ty TNHH Nestlé Việt Nam (Nestlé Việt Nam), doanh nghiệp (DN) 100% vốn đầu tư Thụy Sĩ, ở khu công nghiệp (KCN) Amata, TP Biên Hòa, nhận giấy phép về việc tăng thêm 132 triệu USD vốn đầu tư. Qua đó, nâng tổng số vốn của DN này đầu tư lên gần 730 triệu USD.
Ông Carl Khoury, Giám đốc nhãn hàng cà-phê và thức uống của Nestlé Việt Nam cho biết, Đồng Nai là địa phương chủ lực để phát triển lâu dài của Nestlé Việt Nam. Trong suốt quá trình 25 năm qua đầu tư vào Việt Nam, Nestlé đã nhận được sự hỗ trợ của chính quyền các cấp tỉnh Đồng Nai. Môi trường đầu tư ở Đồng Nai cũng như Việt Nam rất có lợi cho nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài, với thủ tục rõ ràng, những vướng mắc về thủ tục đã nhanh chóng được các cơ quan giải quyết…
Cũng nhận giấy phép đầu tư vào cuối tháng 4 vừa qua, Công ty TNHH Vacpro Việt Nam, DN 100% vốn Singapore, ở KCN Nhơn Trạch 1, cũng đã quyết định tăng vốn gấp hơn bốn lần, từ bảy triệu USD lên 33 triệu USD.
Chia sẻ về điều này, Phó Tổng Giám đốc Vacpro Việt Nam Chen Yong cho biết, đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng rất lớn đến nhiều DN, trong đó có Vacpro Việt Nam. Tuy nhiên, được sự giúp đỡ và hỗ trợ của chính quyền tỉnh Đồng Nai, DN đã từng bước vượt qua khó khăn, tăng sản lượng. Trên cơ sở kết quả sản xuất, kinh doanh những năm qua, Vacpro Việt Nam đã quyết định tăng vốn để mở rộng nhà xưởng, đầu tư máy móc.
Ngoài hai DN kể trên, trong tháng 4 vừa qua, hàng loạt DN FDI trên địa bàn Đồng Nai cũng đã tăng vốn để mở rộng sản xuất, với số vốn tăng thêm lên đến hàng trăm triệu USD như: DA Nhà máy Công ty TNHH Om Digital Solutions Việt Nam (Nhật Bản); DA của Công ty TNHH Hansol Electronics Việt Nam (Hàn Quốc); DA của Công ty TNHH Platel Vina (Hàn Quốc) đầu tư vào KCN Amata…
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều tập đoàn, DN FDI vẫn tăng vốn đầu tư vào Đồng Nai là tín hiệu tốt cho việc phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH). Cụ thể, từ đầu năm 2021 đến nay, địa phương đã thu hút được 63 DA FDI, với tổng số vốn hơn 685 triệu USD, trong khi kế hoạch của tỉnh năm 2021 thu hút khoảng 700 triệu USD. Các DA FDI này chủ yếu ở lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho dệt may, máy móc thiết bị, chế biến sâu nông sản, đây đều là những lĩnh vực Đồng Nai đang ưu tiên thu hút đầu tư.
Nâng cao chất lượng thu hút FDI
Phó trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai Phạm Văn Cường nhận định, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, khiến DN một số nước gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí không sản xuất được. Do đó, nhiều DN FDI trên địa bàn Đồng Nai đã tăng vốn để mở rộng sản xuất hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của thế giới. Các DA FDI gần đây đều được tỉnh Đồng Nai chọn lọc kỹ nên đều có công nghệ tiên tiến, sử dụng ít lao động, bảo đảm môi trường.
Đánh giá cao sự nỗ lực vươn lên của các DA trong giai đoạn kinh tế khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 vẫn mở rộng đầu tư vào tỉnh Đồng Nai trong thời gian gần đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng cho biết, đây chủ yếu đều là những DA lớn, có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển KT-XH của địa phương. Đặc biệt, nhiều tập đoàn, công ty hàng đầu trên thế giới tăng vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh vào Đồng Nai trên nền tảng thành công từ các DA hiện hữu: Đồng Nai luôn xác định vốn FDI là một trong những nguồn lực chính, có đóng góp rất lớn trong phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh. Chính quyền tỉnh Đồng Nai cam kết luôn nhất quán thực hiện đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN đầu tư sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả cao nhất.
Hiện, Đồng Nai có gần 1.400 DA FDI của NĐT đến từ 41 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng số vốn 27 tỷ USD. Các DA FDI tập trung chủ yếu trong các KCN ở TP Biên Hòa và các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom… Ngành nghề mà các DN FDI đầu tư vào Đồng Nai ở lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 84% tổng vốn đăng ký; còn lại bất động sản, thương mại dịch vụ và nông nghiệp. DN FDI đang giải quyết công ăn việc làm cho hơn 600.000 lao động. Hoạt động của các DN FDI chiếm tỷ trọng 37% so tổng giá trị gia tăng toàn tỉnh, đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách địa phương hằng năm.
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai Hồ Văn Hà, để thu hút các NĐT FDI trong bối cảnh tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, UBND tỉnh Đồng Nai đã và đang thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, kiên quyết không để dịch bệnh lây lan trong các KCN. Đồng thời, tiếp tục công khai, minh bạch các thủ tục đầu tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, cung ứng dịch vụ công trực tuyến. Mặt khác, Đồng Nai cũng tăng cường tổ chức các hội nghị gặp gỡ, đối thoại chuyên đề về các lĩnh vực như: thuế, hải quan với DN FDI để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ các DN đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa. Cùng với đó, để thu hút dòng vốn FDI, Đồng Nai cũng thúc đẩy giải ngân đầu tư công… Với nhiều DA hạ tầng giao thông quan trọng cấp quốc gia được đầu tư xây dựng nâng cấp, xây mới, Đồng Nai đang có cơ hội lớn để phát triển và thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao.
Xem thêm: Bàn giao đất tái định cư Sân bay Long Thành cho người dân
- Bản đồ quy hoạch huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030
- Nhiều dòng vốn chất lượng cao đổ vào Đồng Nai
- Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu đẩy nhanh tiến độ mở rộng mở rộng cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây
- Thị trường bất động sản Việt Nam dự báo khởi sắc từ quý 2/2025
- Bản đồ quy hoạch huyện Đức Hòa, tỉnh Long An đến năm 2030