Đăng vào ngày: 08/05/2021
5/5 - (2 bình chọn)

Hạ tầng hàng không Việt Nam sẽ có những thay đổi lớn mang tính đột phá, đảm bảo an ninh hàng không và an ninh quốc phòng.

Với hàng loạt các dự án được ưu tiên đầu tư đến 2030 như: Sân bay Long Thành, mở rộng CHK quốc tế Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh, xây nhà ga T3 Nội Bài… hạ tầng hàng không Việt Nam sẽ có những thay đổi lớn mang tính đột phá.

Chấm dứt chuyện ồ ạt đề xuất xây sân bay

Gần đây liên tiếp nhiều địa phương đề xuất Bộ GTVT đầu tư xây dựng cảng hàng không (CHK), sân bay.

Điển hình việc Ninh Bình đề xuất bổ sung sân bay tại huyện Kim Sơn hoặc huyện Yên Khánh, trong khi khu vực này chỉ cách CHK quốc tế Nội Bài 120km và 90km với CHK Thọ Xuân, Thanh Hóa. Bắc Giang thì đề xuất chuyển sân bay quân sự Kép thành sân bay lưỡng dụng; Hà Tĩnh đề xuất bổ sung sân bay quốc tế Hà Tĩnh.

Ninh Thuận đề xuất quy hoạch sân bay Thành Sơn kết hợp phục vụ quân sự và dân dụng. Hà Giang cũng muốn xây sân bay tại huyện Bắc Quang…

Ngoài ra, một số tỉnh đã có sân bay cũng đề xuất chuyển thành CHK quốc tế như Liên Khương (Đà Lạt), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Phù Cát (Bình Định), Tuy Hòa (Phú Yên)…

Một chuyên gia về đầu tư hàng không cho rằng, việc các địa phương mong muốn có sân bay là chính đáng. Nếu nguồn lực tài chính đủ lớn, đất đai còn nhiều, việc quy hoạch, tiến tới xây dựng tại mỗi tỉnh, thành phố một sân bay là việc nên làm để phát triển du lịch, kết nối giao thương.

Tuy nhiên, theo TS. Trần Quang Châu, Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ hàng không Việt Nam, việc xin xây dựng và phát triển ồ ạt các sân bay hiện nay là chưa hợp lý, bởi nguồn lực của nhiều địa phương còn hạn chế.

Bộ GTVT đang lập dự thảo quy hoạch tổng thể hệ thống sân bay toàn quốc
Bộ GTVT đang lập dự thảo quy hoạch tổng thể hệ thống sân bay toàn quốc

Quy hoạch phát triển hệ thống CHK, sân bay toàn quốc cần dựa trên rất nhiều yếu tố như: Xác định nhu cầu hành khách, nhu cầu vận tải, quy mô, mạng đường bay, khả năng trung chuyển…

“Quy hoạch hàng không không chỉ tính đến hiệu quả kinh tế-xã hội, mà còn phải tính đến sự phù hợp giữa hàng không dân dụng và hàng không quân sự, đảm bảo an ninh hàng không và an ninh quốc phòng”, ông Châu nói.

Viện trưởng Viện Chiến lược GTVT Lê Đỗ Mười cho biết, để giải quyết tình trạng trên, Bộ GTVT đang lập dự thảo quy hoạch tổng thể hệ thống CHK, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với những đột phá lớn. Hạ tầng hàng không sẽ thay đổi đáng kể, nhiều sân bay được nâng cấp, mở rộng, cũng có những CHK được đưa ra khỏi quy hoạch.

“Từ 22 CHK hiện tại (trong đó có 9 CHK quốc tế và 13 CHK nội địa, tổng diện tích hơn 12.400ha, công suất chưa đến 100 triệu khách/năm), Tư vấn lập quy hoạch (Tedi – ADPi – TDSI) đề xuất giai đoạn 2021-2030 sẽ có 26 CHK, bao gồm 13 CHK quốc tế, 13 CHK nội địa, với tổng công suất thiết kế khoảng 654,5 triệu khách/năm, tăng hơn gấp 6 lần so với hiện nay”, ông Mười thông tin.

Theo ông Mười, tổng diện tích đất tại 26 CHK đến năm 2030 là 19.930ha. Tổng diện tích đất tại 30 CHK đến năm 2050 là 24.057ha.

Để tránh việc đề xuất đầu tư ồ ạt sân bay, đại diện tư vấn lập quy hoạch TEDI cho biết, sẽ có 6 tiêu chí chính được tư vấn quan tâm khi tính toán sự cần thiết và mức độ khả thi làm sân bay mới, gồm: nhu cầu sản lượng; kinh tế xã hội (tăng GDP, việc làm, thúc đẩy du lịch); an ninh quốc phòng (chiến lược, dự phòng chiến lược); khẩn nguy cứu trợ; điều kiện tự nhiên (vùng trời, tĩnh không, thời tiết, đất đai) và cự ly bố trí (cự ly tới đô thị trung tâm, cự ly tới sân bay lân cận).

Nâng công suất, huy động hơn 365 tỷ đồng đầu tư

Theo ông Lê Đỗ Mười, tư vấn cũng đề xuất ưu tiên đầu xây dựng CHK quốc tế Long Thành giai đoạn 1 (công suất 25 triệu khách/năm), từng bước triển khai giai đoạn 2 công suất 50 triệu khách/năm); Mở rộng CHK quốc tế Tân Sơn Nhất để nâng công suất toàn cảng lên 50 triệu khách/năm; Mở rộng CHK quốc tế Nội Bài, xây dựng nhà ga T3 và khu bay phía Nam để đạt công suất 60 triệu khách/năm; Mở rộng CHK quốc tế Đà Nẵng, Cam Ranh lên công suất 25 triệu khách/năm. Khi các dự án này hoàn thành sẽ giải quyết tình trạng quá tải tại một số CHK lớn hiện nay.

Dự kiến, chi phí đầu tư giai đoạn 2020-2030 khoảng 365.100 tỉ đồng và tại giai đoạn 2030-2050 khoảng 866.360 tỉ đồng. Nguồn vốn thực hiện quy hoạch được huy động tổng hợp các nguồn lực đầu tư khác nhau như vốn vay ODA, nguồn vốn ngân sách, vốn vay thương mại từ các tổ chức tài chính, vốn từ xã hội hóa đầu tư theo hình thức PPP.

Đáng chú ý, 2 CHK Nà Sản và Lai Châu (theo quy hoạch hiện hành) được Tư vấn đề xuất chuyển sang đầu tư giai đoạn sau. Cụ thể, đến năm 2050, sẽ bổ sung thêm 4 CHK gồm: Lai Châu, Nà Sản, Cao Bằng và quy hoạch thêm CHK thứ 2 cho vùng Thủ đô, vị trí sẽ được nghiên cứu, xác định cụ thể sau năm 2040.

Kết quả của Tư vấn được đưa ra trên cơ sở dự báo giai đoạn 2020-2030, tốc độ tăng trưởng vận tải hành khách sẽ đạt 7,5-8,5%/năm. Năm 2031-2050, tốc độ tăng trưởng vận tải hành khách sẽ đạt 4,2-5%, vận tải hàng hóa 4,7-5,7%/năm.

Xem thêm: Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng xã hội tại khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn

Ưu tiên kết nối sân bay lớn với cao tốc, đường sắt đô thị

Theo PGS. TS. Trần Kim Chung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế T.Ư, quy hoạch CHK, sân bay được coi là đầu vào của các quy hoạch khác và ngược lại. Do đó, việc kết nối hạ tầng các loại hình giao thông cần được xem xét trong tổng thể để đưa ra quy hoạch và đầu tư sân bay.

Tại dự thảo quy hoạch đang xây dựng, Tư vấn cũng đã tính tới điều này. Theo đó, sẽ bố trí kết nối giao thông đường bộ từ CHK, sân bay tới hệ thống giao thông quốc gia trong khu vực với quy mô tuyến kết nối đáp ứng nhu cầu vận tải của CHK, sân bay.

Với các CHK, sân bay có công suất từ 30 triệu khách/năm trở lên như: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh… ngoài đường bộ sẽ tính cả việc kết hợp với đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao…Việc tính toán kết nối này được bắt đầu ngay với CHK quốc tế Long Thành đang được đầu tư xây dựng giai đoạn 1.

Cụ thể, theo ông Lê Đỗ Mười, hiện kết nối trực tiếp với khu vực sân bay Long Thành có các cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây và QL51. Thời gian tới, hành khách có thể đi tới sân bay này qua cao tốc Bến Lức – Long Thành và Biên Hòa – Vũng Tàu.

Liên quan các dự án cần ưu tiên đầu tư đảm bảo kết nối đến sân bay Long Thành giai đoạn đến năm 2025, ông Mười cho biết, cần nâng cấp mở rộng cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Dây (đoạn TP HCM – Long Thành, 20km) lên 8 làn xe; hoàn thành và đưa vào khai thác cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (đoạn Biên Hòa – Phú Mỹ); tuyến đường sắt đô thị số 2 (Củ Chi – Thủ Thiêm); tuyến đường sắt kết nối trung tâm TP HCM (Thủ Thiêm) với sân bay Long Thành; tuyến Vành đai 3 TP HCM; các tuyến hỗ trợ kết nối: Tuyến trục đô thị số 4, tuyến liên vùng 04, 04B.

Trên cơ sở khoanh vùng bán kính 100km cho 28 CHK, sân bay giai đoạn đến năm 2030 theo Quy hoạch 236 hiện hành, tỷ lệ dân số Việt Nam tiếp cận CHK trong bán kính 100km là khoảng 95,94%, cao hơn mức bình quân thế giới là 75%. Như vậy, mạng CHK, sân bay theo quy hoạch hiện hành đang đáp ứng tốt nhu cầu vận chuyển bằng đường hàng không so với mức bình quân thế giới.

5/5 - (2 bình chọn)
058.34.88888
Đăng ký tư vấn