Sau khi hoàn thành cầu Cát Lái sẽ là một trong những tuyến giao thông quan trọng kết nối TP.HCM đi sân bay Long Thành.
Phương án xây cầu Cát Lái
Ngày 11/5, ông Lê Quang Bình – Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai cho biết, Sở GTVT TP.HCM đã có văn bản trả lời chọn phương án đề xuất phương án 2 của đơn vị tư vấn thiết kế và tiếp thu ý kiến của đơn vị liên quan.
“Sau khi chọn xong phương án hướng tuyến, tỉnh Đồng Nai được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì sẽ xúc tiến nhanh các bước tiếp theo để triển khai”, ông Bình cho hay.
Theo Công ty CP Tư vấn thiết kế GTVT, đối với phương án 2, chiều dài tuyến của dự án xây dựng cầu Cát Lái là hơn 10,6km. Trên tuyến sẽ bố trí các nút giao khác mức với đường vành đai 2, nút giao cắt với đường Phạm Thái Bường và đường tỉnh 25C (tỉnh Đồng Nai đã có quyết định đầu tư) và tại cuối dự án kết nối với đường cao tốc Bến Lức – Long Thành.
Kết nối quan trọng của vùng Đông Nam Bộ
Dự án xây dựng cầu Cát Lái kết nối trực tiếp khu vực TP. Thủ Đức (TP.HCM) với huyện Nhơn Trạch là một trong những dự án giao thông kết nối quan trọng của vùng Đông Nam bộ. Đây cũng là hạng mục quan trọng trong việc hình thành tuyến giao thông kết nối Sân bay Long Thành với TP.HCM, bên cạnh tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây đang khai thác và cao tốc Bến Lức – Long Thành đang triển khai.
Tháng 8/2019, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận giao UBND tỉnh Đồng Nai chủ trì, phối hợp với TP.HCM thực hiện dự án xây dựng cầu Cát Lái. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Sở GTVT TP.HCM và các đơn liên quan đưa ra, Sở GTVT Đồng Nai và đơn vị tư vấn đã điều chỉnh, bổ sung phương án hướng tuyến phù hợp.
Mới đây nhất, đầu tháng 4, tại cuộc họp giữa các cơ quan chức năng 2 địa phương, phương án hướng tuyến số 2 đã được đánh giá là cơ bản giải quyết được các tồn tại và được đồng thuận cao.
Xem thêm: Khởi công sửa chữa, cải tạo tuyến đường kết nối Quốc lộ 51