Là một trong những cái nôi công nghiệp hóa của cả nước, nhiều năm qua, Đồng Nai luôn khẳng định vị thế về công nghiệp, thương mại và đang hướng tới trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao, trung tâm dịch vụ, thương mại cấp quốc gia, quốc tế.
Công nghiệp, thương mại là động lực phát triển
46 năm sau ngày thống nhất đất nước, từ một khu công nghiệp (KCN) ban đầu, Đồng Nai hiện có 35 KCN được quy hoạch với tổng diện tích trên 12 ngàn ha, trong đó có 31 khu đã đi vào hoạt động, lấp đầy 82% diện tích. Tính đến tháng 4-2021, các KCN của tỉnh đã thu hút được 1.363 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 27 tỷ USD. Một số KCN như Amata, Biên Hòa 2, Nhơn Trạch 3, Long Đức là những hình mẫu cả nước trong xây dựng kết cấu hạ tầng cũng như thu hút đầu tư.
Ngày 2-10-2008, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 1418/QĐ-TTg lấy ngày 14-5 hằng năm là Ngày truyền thống của ngành Công thương Việt Nam. Ngành Công Thương Việt Nam đã trải qua 70 năm hình thành và phát triển từ năm 1951 khi Bộ Công thương được thành lập.
Sản xuất, kinh doanh trong các KCN đã tạo ra sản lượng hàng hóa rất lớn cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tổng doanh thu của các KCN giai đoạn 1995-2000 đạt trên 5,6 tỷ USD và đã tăng lên hơn 20 tỷ USD trong năm 2020. Bên cạnh việc gia tăng hàng hóa, các KCN cũng đóng góp nguồn thu ngày càng lớn. Nếu như năm 1997, các KCN đóng góp 21 triệu USD thì năm 2005 tăng lên 235 triệu USD, tới năm 2020 đóng góp trên 940 triệu USD cho ngân sách nhà nước.
Sự phát triển nhanh và bền vững của các KCN Đồng Nai hiện nay là kết quả của một quá trình quản lý, điều hành và xúc tiến đầu tư một cách bài bản và sáng tạo. Trong đó có các giải pháp về cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp (DN) là phương châm xuyên suốt của Đồng Nai.
Bên cạnh những thành tựu trong thu hút đầu tư nước ngoài thì phát triển DN trong nước cũng đã đạt những kết quả tích cực. Năm 1985, Đồng Nai chỉ có 115 xí nghiệp quốc doanh và 2.101 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Năm 2020, toàn tỉnh đã có trên 27 ngàn DN đang hoạt động. Việc tập trung hỗ trợ phát triển DN trong nước luôn được chú trọng nhằm góp phần nâng cao giá trị sản xuất, tăng kim ngạch xuất khẩu và tham gia giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội như tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo…
Về hoạt động ngoại thương, hàng hóa của Đồng Nai hiện nay đã được xuất sang 171 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó dẫn đầu là thị trường Hoa Kỳ (25,8%), tiếp đến là Trung Quốc (10,4%), Nhật Bản (10%), Hàn Quốc (5,47%)… Riêng giai đoạn 2016-2020, tổng kim ngạch xuất khẩu từ Đồng Nai đạt 88,4 tỷ USD, là thời kỳ xuất siêu của tỉnh.
Đối với hoạt động thương mại nội địa, tổng mức bán lẻ hàng hóa năm 2020 đã đạt hơn 143 ngàn tỷ đồng, gấp gần 300 lần so với năm 1990. Hạ tầng thương mại Đồng Nai phát triển vượt bật với 148 chợ, 8 trung tâm thương mại và 11 siêu thị đang hoạt động. Ngoài ra, còn có 195 cửa hàng tiện ích luôn góp phần đảm bảo ổn định cung – cầu hàng hóa, tiêu dùng của người dân.
Phó giám đốc Sở Công thương Lê Văn Lộc cho hay hằng năm, ngành Công thương đều xây dựng kế hoạch bình ổn giá trên thị trường, trong đó tính toán tới những tác động tiêu cực như thiên tai, dịch bệnh. Sự chủ động từ cơ quan quản lý và cộng đồng DN giúp cho thị trường hàng hóa luôn thông suốt và không xảy ra xáo trộn, nhất là trong những ngày lễ, tết.
Nhiều mục tiêu phía trước
Để trở thành cực tăng trưởng quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như cả nước vào năm 2025 và thuộc nhóm đầu các tỉnh phát triển, trên lĩnh vực công nghiệp, thương mại, Đồng Nai đã đưa ra một số phương hướng, giải pháp như: xác định ngành công nghiệp công nghệ cao và ngành công nghiệp hỗ trợ là mục tiêu phát triển lâu dài. Rà soát quỹ đất sạch tại các khu, cụm công nghiệp và xây dựng chuyên mục phổ biến thông tin về quỹ đất, nhà xưởng cho thuê, kết nối giữa DN có nhu cầu với chủ đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp. Tiếp tục thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, hỗ trợ DN phát triển, mở rộng thị trường trong và ngoài nước, từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đồng Nai còn đẩy nhanh tiến độ thực hiện thủ tục, triển khai xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp, quản lý hoạt động sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh đảm bảo hiệu quả, tập trung triển khai các nhiệm vụ bình ổn thị trường trong nước, tiếp tục triển khai xây dựng các điểm bán hàng Việt, nâng cao sức cạnh tranh cho thương hiệu hàng Việt.
Trong tương lai, khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành và hệ thống hạ tầng giao thông ngày càng được hoàn thiện, Đồng Nai sẽ tiếp tục là điểm đến lý tưởng trong việc thu hút đầu tư vào công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Theo Giám đốc Sở Công thương Trương Thị Mỹ Dung, ngành sẽ tiếp tục tham gia xây dựng các chương trình kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, nhất là quy hoạch tích hợp của tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. “Phát triển khu, cụm công nghiệp và công nghiệp chất lượng cao, đồng thời gắn sự phát triển của các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, logistics với cảng hàng không quốc tế Long Thành cũng là nhiệm vụ trọng tâm” – bà Trương Thị Mỹ Dung, Giám đốc Sở Công thương khẳng định.
Xem thêm: Ba dự án được TP.HCM kiến nghị trực tiếp với Thủ tướng Chính phủ sớm triển khai
- Bản đồ quy hoạch huyện Thạch Thất, Hà Nội đến năm 2030
- Sân bay Long Thành thúc đẩy bất động sản khu vực nhà đầu tư hồi hộp chờ sức cầu năm 2025 – 2026
- Phân khúc đất nền tiếp tục “sốt” trong thời gian tới
- Bản đồ quy hoạch huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030
- Bản đồ quy hoạch huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu đến năm 2030