Trong 2023, nhiều dự án giao thông ở Đồng Nai đang được gấp rút triển khai như Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây, Bến Lức – Long Thành,… giúp kết nối tỉnh với khu vực kinh tế phía Nam. Người dân Đồng Nai rất phấn khởi trước sự triển khai của các dự án này, hứa hẹn sau khi hoàn thành và được đưa vào khai thác, các dự án trên sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
1. Hàng loạt các dự án giao thông ở Đồng Nai đang được gấp rút thực hiện
Trong năm 2023, hàng loạt các dự án giao thông trọng điểm của quốc gia vẫn đang được gấp rút thực hiện tại tỉnh Đồng Nai hoặc đi qua tỉnh Đồng Nai như: Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây, cao tốc Bến Lức – Long Thành, đường Vành đai 3 TPHCM,… Đây đều là những dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ riêng với tỉnh Đồng Nai mà còn giúp kết nối giao thông của khu vực phía Nam với cả nước.
Ông Đặng Minh Đức (Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường) nhận định: Các tuyến đường cao tốc được khai thác trên địa bàn tỉnh Đồng Nai sẽ là đòn bẩy quan trọng để phát triển kinh tế tỉnh. Theo ông, ngay khi những dự án đường cao tốc tại Đồng Nai hoặc đi ngang qua Đồng Nai hoàn thành và đưa vào khai thác không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của riêng tỉnh, mà còn giúp Đồng Nai kết nối với các địa phương phát triển của khu vực phía Nam. Đây sẽ là đòn bẩy để thu hút đầu tư giúp tỉnh tiết giảm những chi phí đầu tư về cơ sở hạ tầng khác. Hơn hết, khi kinh tế Đồng Nai phát triển, đời sống kinh tế của người dân cũng sẽ được nâng cao hơn.
Ông Đức cũng cho biết, với hàng loạt các dự án giao thông ở Đồng Nai đang được triển khai như hiện nay, tỉnh sẽ phải cần rất nhiều nguồn nhân và vật lực. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc giải phóng mặt bằng, ổn định cuộc sống của người dân. Vì thế, ngoài sự nỗ lực của các cấp, các ngành, tỉnh cũng rất cần mỗi người dân chung sức, đồng lòng vì sự phát triển chung của tỉnh và hỗ trợ chính quyền địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng nhằm giúp các công trình được triển khai đúng tiến độ.
Hiện nay, ngoài việc nỗ lực trong công tác giải phóng mặt bằng để các công trình được triển khai đúng tiến độ, tỉnh Đồng Nai cũng cần nỗ lực trong công tác tái định cư cho người dân có nhà, đất bị thu hồi làm đường, ông Huỳnh Tấn Lộc (Phó Chủ tịch UBND Thành phố Biên Hòa) cho hay. Theo ông Lộc, trên địa bàn TP. Biên Hòa đang thực hiện rất nhiều dự án từ năm 2019, đến nay nhiều dự án đã hình thành và đang hoàn thiện theo đúng tiến độ đề ra. Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã rất quan tâm đến sự phát triển của thành phố, điều này thể hiện bằng việc ưu tiên phân bổ nguồn vốn rất lớn.
Ngay sau khi các dự án này được hoàn thiện và đưa vào khai thác sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển và thay đổi bộ mặt thành phố như giao thông sẽ thuận tiện hơn, rút ngắn thời gian đi lại; trên các con đường ven sông Đồng Nai sẽ có kèm theo công viên, hoa viên nhằm tạo cảnh quan đô thị, người dân có thể đến thư giãn, đời sống tinh thần của người dân vì thế cũng được nâng lên. Trên những con đường ven sông này, thành phố cũng sẽ chọn những vị trí phù hợp để xây dựng những công trình phát triển đô thị.
Riêng đối với dự án trục đường trung tâm kết nối giao thông từ cầu Thống Nhất đến cầu An Hảo và ra ngã tư Vũng Tàu, sẽ có những khu vực được ưu tiên lựa chọn để xây dựng những công trình phục vụ phát triển kinh tế đô thị.
Xem thêm: Cao tốc Bến Lức – Long Thành tái khởi động thi công
2. Người dân Đồng Nai phấn khởi với hàng loạt các dự án giao thông đang được triển khai
Ông Nguyễn Minh Trí hiện đang sinh sống tại Phường Tân Phong, TP. Biên Hòa cho biết: “Đọc báo tôi được biết năm 2023, hàng loạt dự án giao thông ở Đồng Nai sẽ được triển khai, trong đó TP. Biên Hòa sẽ khởi công dự án Đường trục trung tâm TP. Biên Hòa cụ thể là dự án cầu Thống Nhất. Đây là dự án rất hay, góp phần giải tỏa được lượng phương tiện giao thông di chuyển từ nội ô TP.Biên Hòa ra đường Đặng Văn Trơn. Tôi mong rằng, chỉ nên khởi công khi dự án đã hoàn thành các khâu liên quan như: giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa, tái định cư cho người dân, chuẩn bị sẵn sàng nguồn vốn đầu tư để một khi đã khởi công là hoàn thành nhanh, gọn và hiệu quả. Không để dự án ở tình trạng “treo” hoặc kéo dài tiến độ, khiến thành phố trở thành công trường ngổn ngang, khó khăn cho người dân trong việc đi lại, kinh doanh.”
Bà Nguyễn Thị Phiên ngụ tại Phường Thống Nhất, TP. Biên Hòa, người thuộc diện giải tỏa trắng để nhường đất cho dự án cầu Thống Nhất cũng cho biết “Tôi cũng như nhiều hộ dân khác thuộc diện giải tỏa trắng để nhường đất cho dự án Cầu Thống Nhất. Là những người sinh sống lâu năm trên địa bàn phường, kinh tế, cuộc sống đang ổn định nay phải dời đi chỗ khác để nhường đất cho dự án cũng là việc bất đắc dĩ. Nhưng vì sự phát triển chung của thành phố, chúng tôi đồng thuận di dời để thành phố thực hiện các dự án để kết nối giao thông, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, những hộ dân di dời phải được đền bù tương xứng với giá trị nhà, đất, tài sản gắn liền với đất, để khi rời khỏi nơi ở cũ, người dân cảm thấy sự hy sinh của mình được bù đắp xứng đáng. Đừng để người dân nhường đất cho việc chung phải sống bấp bênh, khó khăn ở nơi mới.”
Xem thêm: Dự án Sân bay Quốc tế Long Thành đảm bảo tiến độ triển khai
Tân Đại Thành (Tổng hợp)