Đăng vào ngày: 25/03/2021
5/5 - (3 bình chọn)

Tách thửa đất Chờ quy định mới

Từ ngày 1-7-2020, Quyết định số 22/2020/QĐ-UBND của UBND tỉnh quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh (gọi tắt là Quyết định số 22) sẽ có hiệu lực.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, quy định này sẽ giúp người dân trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tách thửa đất sẽ dễ dàng được thực hiện.

Đồng thời, văn bản cũng quy định rõ diện tích được phép tách thửa với từng loại đất, khu vực.

Tạo thuận lợi cho người dân có nhu cầu tách thửa đất

Quyết định số 22 quy định rất rõ ràng về diện tích tối thiểu để tách thửa với các loại đất. Trong đó, đất ở tại các đô thị diện tích tách thửa nhỏ nhất là 60m2. Điều kiện ràng buộc thêm là cạnh thửa đất tiếp giáp với đường giao thông có lộ giới bằng hoặc lớn hơn 19m phải lớn hơn hoặc bằng 5m.

Nếu cạnh thửa đất tiếp giáp với đường giao thông có lộ giới nhỏ hơn 19m thì phải lớn hơn hoặc bằng 4m.

Ông Huỳnh Văn Tuấn, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh TP.Biên Hòa cho biết: “Quy định tách thửa đang thực hiện lồng ghép quy hoạch xây dựng và nhiều yếu tố khác nên việc tách thửa rất khó khăn.

Tuy hạn chế được tình trạng phân lô, bán nền trái phép, nhưng cản trở quyền lợi của nhiều hộ gia đình cá nhân. Trong quyết định mới này, những vướng mắc trước được khơi thông và phù hợp hơn với quy định của Luật Đất đai”.

Đất ở tại khu vực nông thôn, diện tích tối thiểu để được tách thửa là 80m2 và cạnh thửa đất tiếp giáp với đường giao thông phải lớn hơn hoặc bằng 4m.

Diện tích tối thiểu của thửa đất khi tách thửa không được tính diện tích hành lang bảo vệ các công trình, diện tích đất thuộc quy hoạch thực hiện dự án, công trình nhưng chưa thu hồi đất. Đối với các dự án trong khu dân cư, việc tách thửa đất thực hiện theo quy hoạch chi tiết xây dựng hoặc quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Đối với đất nông nghiệp, diện tích tối thiểu để tách thửa là 500m2 với khu vực đô thị và 1 ngàn m2 với vùng nông thôn. Riêng với đất phi nông nghiệp (không phải đất ở) khi muốn tách thửa sẽ do UBND cấp huyện quyết định.

Ông Nguyễn Hồng Quế, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai (Sở Tài nguyên – môi trường) cho rằng, quy định mới về tách thửa đất của Đồng Nai khá rõ ràng, sẽ giúp cho các địa phương thực hiện nhu cầu về tách thửa đất cho người dân thuận lợi hơn so với Quyết định 03/2018/QĐ-UBND ngày 30-1-2018 của UBND tỉnh.

Tách thửa đất Chờ quy định mới
Biên Hòa là địa phương có nhu cầu tách thửa đất khá lớn

“Quyết định 03 về tách thửa trước đây của tỉnh mục đích là siết chặt tình trạng phân lô, bán nền đất tràn lan làm phá vỡ quy hoạch chung về xây dựng của tỉnh.

Thế nhưng sau khi ban hành và thực hiện, bên cạnh việc hạn chế việc tách thửa để phân lô, bán nền thì cũng ảnh hưởng tới nhiều gia đình, cá nhân khi có nhu cầu tách thửa đất để cho con cái, người thân hoặc chuyển nhượng.

Quyết định số 22 tháo gỡ bớt những khó khăn ảnh hưởng đến hộ gia đình, cá nhân trong tách thửa” – ông Quế nói.

Về diện tích cụ thể, trước đây, Quyết định 03 về tách thửa của UBND tỉnh quy định tại TP.Biên Hòa, đất ở các phường, xã Tân Hạnh, Hóa An, Hiệp Hòa (khi chưa có quyết định lên phường) và các phường của TP.Long Khánh diện tích tối thiểu để tách thửa là 60m2.

Các xã Tam Phước, Phước Tân, An Hòa, Long Hưng (TP.Biên Hòa) và thị trấn các huyện diện tích tối thiểu tách thửa là 80m2, những xã còn lại trên địa bàn tỉnh diện tích tối thiểu tách thửa là 100m2.

Tuy nhiên, Quyết định 22 chỉ quy định đất ở đô thị và đất ở nông thôn với diện tích tối thiểu lần lượt là 60m2 và 80m2.

Bà Lê Thị Phương ở P.Phước Tân (TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Tôi có khoảng 2 ngàn m2 đất thổ cư, trước đây định tách thành 3 thửa chia cho 2 người con, còn mình giữ lại một thửa nhưng không được vì thiếu diện tích.

Với quy định mới thì đủ điều kiện để tách thửa nên tôi đang đợi đến đầu tháng 7-2020 sẽ nộp hồ sơ xin tách thửa”.

Xem thêm: Thủ tục chuyển từ Đất Vườn sang Đất Ở

“Thêm việc” cho các địa phương

Từ ngày 1-7-2020, Quyết định 22 về tách thửa đất trên địa bàn tỉnh sẽ có hiệu lực, thay thế Quyết định 03.

Theo đó, UBND tỉnh sẽ xem xét cho phép tách thửa với các tổ chức, UBND cấp huyện sẽ cho phép tách thửa với các hộ gia đình, cá nhân. Và yêu cầu là khu đất sau khi tách thửa phải đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai.

Ngoài ra, UBND cấp huyện sẽ căn cứ vào những quy định pháp luật khác có liên quan quyết định việc cho phép tách thửa đối với trường hợp cụ thể là hộ gia đình, cá nhân thuộc chuẩn hộ nghèo, chuẩn hộ cận nghèo theo quy định của HĐND tỉnh; người có hoàn cảnh khó khăn; tặng cho quyền sử dụng đất cho con hoặc nhận thừa kế quyền sử dụng đất có nhu cầu tách thửa nhưng không đảm bảo diện tích tối thiểu theo quy định.

Điều này sẽ giúp cho nhiều hộ gia đình, cá nhân thuộc những đối tượng trên khi có nhu cầu tách thửa không còn bức xúc vì không thực hiện được do vướng vào một số quy định về diện tích tối thiểu khi tách thửa.

Tuy nhiên, UBND cấp huyện lại có nhiều trách nhiệm hơn vì phải lập thêm đoàn kiểm tra để xem xét việc tách thửa trên có đúng đối tượng hay không.

Trường hợp không quản lý được các hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu tách thửa, sẽ dẫn đến tình trạng ào ạt xin tách thửa, xin xây dựng, dẫn đến không đảm bảo về quy hoạch xây dựng, kiến trúc của từng khu vực trong tỉnh.

Phó chủ tịch UBND H.Tân Phú Nguyễn Văn Nghị cho biết: “Quyết định 22 thông thoáng hơn, giúp các hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu tách thửa đất dễ dàng thực hiện nếu đáp ứng các yêu cầu.

Các hộ nghèo, khó khăn, hộ gia đình muốn chia cho con cái, anh em nhưng trước đây không đủ diện tích, theo quyết định mới được tháo gỡ. Huyện đang nghiên cứu ban hành các quy định về tách thửa cho các hộ gia đình, cá nhân cho phù hợp”.

Long Thành quản lý chặt về xây dựng
Long Thành quản lý chặt về xây dựng

Hiện nay, văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh các huyện, thành phố đang đợi UBND huyện, thành phố ban hành các quy định cụ thể về tách thửa để áp dụng thực hiện.

Nhiều hộ gia đình, cá nhân trông đợi quyết định có hiệu lực để họ có thể tách thửa khi có nhu cầu.

Thực tế, thời gian qua, đất đai tại Đồng Nai khá “nóng”, giá bất động sản tăng cao do “ăn theo” nhiều công trình hạ tầng cấp quốc gia, vùng, tỉnh được xây dựng và kết nối.

Người dân về các khu vực TP.Biên Hòa, các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Vĩnh Cửu… sinh sống khá đông nên nhu cầu về đất ở rất lớn.

Giá đất liên tục “leo thang” ở nhiều nơi.

Vì thế, người dân có nhu cầu mua đất giá rẻ làm nhà để sinh sống tương đối nhiều, nắm bắt được cơ hội này nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã “lách luật” phân lô, bán nền tràn lan làm hình thành các khu dân cư tạm bợ, phá vỡ quy hoạch chung của tỉnh.

Do đó, UBND tỉnh buộc phải ban hành quy định về tách thửa để hạn chế tình trạng phân lô, bán nền trái phép; đồng thời giao cho các huyện, thành phố chịu tránh nhiệm trong việc quản lý đất đai và cho phép tách thửa đối với các hộ gia đình, cá nhân. UBND tỉnh chỉ giải quyết các trường hợp xin tách thửa của các tổ chức.

Sau hơn 2 năm thực hiện Quyết định 03, dù còn những bất cập là quyền lợi chính đáng của hộ gia đình, cá nhân bị hạn chế, song điều được là tình trạng phân lô, bán nền đã giảm rất nhiều.

5/5 - (3 bình chọn)
058.34.88888
Đăng ký tư vấn