Cao tốc TPHCM – Mộc Bài, đường Vành đai 3 và đường Vành đai 4 là ba dự án vừa được TPHCM kiến nghị trực tiếp với Thủ tướng Chính phủ sớm triển khai và hoàn thành nhằm giảm ùn tắc, tăng kết nối Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Đẩy nhanh tiến độ các dự án
Dự án xây dựng đường cao tốc TPHCM – Mộc Bài (Tây Ninh) được đầu tư theo hình thức PPP (hợp đồng BOT) có chiều dài 53 km, dự kiến tổng vốn đầu tư 13.613 tỉ đồng.
Dự kiến phân bổ nguồn vốn ngân sách TPHCM để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng trong giai đoạn 2021-2023 là 4.130 tỉ đồng.
Để đẩy nhanh tiến độ dự án, sau khi thành phố báo cáo tiền khả thi, UBND TPHCM đề xuất Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan rà soát, trình Chính phủ phê duyệt để triển khai và đề xuất Trung ương hỗ trợ 100% vốn ngân sách bồi thường, giải phóng mặt bằng ở thành phố.
Tuyến cao tốc này khi khai thác giúp hoàn thiện mạng lưới giao thông Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; tăng năng lực khai thác tuyến liên vận quốc tế nối TPHCM với Campuchia. Đồng thời, công trình cũng phá thế độc đạo của Quốc lộ 22 đang quá tải.
Đường Vành đai 3 dài hơn 90 km, chạy qua TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An, chia làm 4 đoạn: Tân Vạn – Bình Chuẩn, Tân Vạn – Nhơn Trạch, Bình Chuẩn – Quốc lộ 22 và Quốc lộ 22 – Bến Lức.
Theo quy hoạch được phê duyệt 11 năm trước, toàn tuyến Vành đai 3 cơ bản hoàn thành trước năm 2020. Tuy nhiên đến nay, chỉ đoạn Tân Vạn – Bình Chuẩn (một phần đường Mỹ Phước – Tân Vạn thuộc Bình Dương) dài hơn 16 km đã hoàn thành.
Ở 3 đoạn còn lại, riêng đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch có 2 dự án thành phần: 1A (từ tỉnh lộ 25B đến cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây, dài 8,7 km) và 1B (từ cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây đến nút giao trạm 2 xa lộ Hà Nội, dài gần 9 km), đã xác định được nguồn vốn đầu tư tổng chi phí gần 9.300 tỉ đồng. Các đoạn còn lại dài 65 km được đề xuất ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021-2025, tổng vốn dự kiến hơn 31.000 tỉ đồng, chia ra nhiều dự án thành phần.
Thúc đẩy liên kết vùng
Đối với dự án thành phần 1A dự kiến khởi công trong quý 3/2021 nhưng chi phí giải phóng mặt bằng hiện vượt so với cam kết trước đây của thành phố khoảng 1.800 tỉ đồng (thành phố cam kết ứng 3.000 tỉ đồng).
Do nguồn vốn gặp nhiều khó khăn nên TPHCM kiến nghị Thủ tướng cho bố trí vốn Trung ương đối với chi phí giải phóng mặt bằng tăng lên của dự án 1A.
Đối với dự án thành phần 1B, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải sớm tuyển chọn nhà đầu tư, triển khai khởi công trong quý 3/2021 theo kế hoạch.
Đường Vành đai 3 khi khép kín giúp giảm ùn tắc giao thông, tăng cường kết nối Quốc lộ 1, Quốc lộ 22 với các tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành, TPHCM – Trung Lương, TPHCM – Long Thành – Dầu Giây, TPHCM – Mộc Bài.
Dự án đường Vành đai 4 với chiều dài khoảng 198km, đi qua các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM và Long An, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 100.000 tỉ đồng.
UBND TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT chủ trì nghiên cứu toàn diện các nội dung về vành đai 4, trong đó có tổng thể phương án, quy mô đầu tư, phân kỳ đầu tư, hình thức đầu tư, kết nối với các tuyến giao thông chính trong vùng; Phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan xem xét có cơ chế hỗ trợ một phần vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 cho tuyến đường này theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ vào tháng 8/2020.
Tuyến đường này được kỳ vọng thúc đẩy mạnh mẽ tính kết nối liên vùng, trong đó có kết nối đến khu đô thị cảng Hiệp Phước (TPHCM), góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long.
Xem thêm: Sớm xây dựng đường sắt nhanh TP.HCM – sân bay Long Thành